Thursday, November 30, 2006

Hy Vọng Không Phải Là Kế Hoạch

Tôi thường nghe các bậc trưởng thượng đặt câu hỏi: “Rồi đây tuổi trẻ Vietnam hải ngoại sẽ có vai trò gì trong công cuộc xây dựng đất nước? “

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta cần thử nhận xét tâm lý của tuổi trẻ hải ngoại. Câu hỏi đầu tiên cần được đặt ra là họ có còn tha thiết đến Việt Nam? Và nếu còn, thì các yếu tố nào sẽ thúc đẩy hoặc ngăn chận họ dấn thân đóng góp?

Chúng ta cần nhìn thẳng vào vấn đề, mặc dù nhiều lúc sự thật không theo ý mình muốn.

A. Tư tưởng – đa số lớp trẻ lớn lên tại hải ngoại không còn tha thiết nhiều đến Việt Nam, và càng không có khái niệm rõ ràng về tự do, dân chủ.

Thế hệ sanh ở thập niên 1960 - 1970, bây giờ đã hơn 30, 40 tuổi. Họ không còn trẻ nữa. Thế hệ này, chúng ta tạm gọi là “thế hệ một rưởi”, là thành phần còn nhiều liên hệ đến VN nhất. Tuy có một số ít tham gia hội đoàn nhưng sinh hoạt thường nặng về văn hóa, âm nhạc; và một số ít khác tham gia hoạt động chính trị.

Thế hệ sanh từ 70 – 80 lại càng ít hoạt động. Họ chăm chú đi học và đi làm để tạo cho mình một tưong lai vững chắc. Phần đông thế hệ này hội nhập vào đời sống nơi mình ở tương đối nhanh và nói thành thạo tiếng bản xứ. Tuy nhiên họ vẫn còn đọc và viết được tiếng Việt. Một số rất ít tham gia hoạt động chính trị.

Thế hệ sanh từ năm 80 tại hải ngoại, phần đông không nói và đọc được tiếng Việt, và không còn nghĩ mình là người Việt Nam nữa.

B. Phương pháp - các phương pháp tranh đấu cho Vietnam thường thụ động, đối chọi nhau.

Sự phóng khoáng của tuổi trẻ không đủ mạnh để ngăn chận mầm mống chia rẽ trong các thành phần chịu hoạt động. Họ chia phe theo ba nhóm và có ba chủ trương khá rõ rệt:

Chủ trương ưu tiên phát triễn kinh tế: Các bạn trong nhóm này tin rằng Vietnam tuy chưa có “đủ” tự do, dân chủ, nhưng việc trước hết là phải ủng hộ phát triển kinh tế để nâng cao đời sống người dân. Họ hoạt động thầm lặng nên khó đo lường được thực lực. Cũng có khi họ chấp nhận lý thuyết được đưa ra bởi các bạn trẻ ở quốc nội là nước nhà cần một đảng duy nhất để bảo đảm trật tự an ninh cho đất nước và phát triển đời sống người dân. Họ lý luận rằng càng có nhiều đảng thì càng có nhiều tranh chấp, hỗn loạn.

Vã lại, một số bạn tin rằng phát triển kinh tế rất cần thiết cho một xã hội dân sự mạnh, và nó là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển tự do, dân chủ. Từ từ rồi cũng có tự do. Hơi đâu mà lo. Hãy hy vọng!

Nhóm này được sự thông cảm của thành phần trẻ trong nước nhất!

Chủ trương ưu tiên dân chủ, tự do – Nhóm này tương đối được biết đến nhiều nhất. Các vận động của họ càng ngày càng hửu hiệu hơn, phát triển từ các cuộc biểu tình ồn ào trong quá khứ đến kế hoạch hóa các cuộc vận động trong chính trường tại các quốc gia cư ngụ. Họ tạo ra một sức đối kháng cần thiết, và họ đã khá thành công trong cuộc vận động nàỵ Điển hình như chiến dịch Cờ Vàng, Vùng Không Cộng Sản. Họ tích cực vận động với bộ ngoại giao, với các cơ quan bảo vệ nhân quyền quốc tế và chính quyền địa phuơng để làm nổi bật vấn đề nhân quyền tại Việt Nam.

Nếu được hỏi “Như thế có đủ đem tự do, dân chủ đến cho Vietnam không? ", họ sẽ trả lời “Có thể không đủ, nhưng đó là cách vận động hữu hiệu nhất" Hãy hy vọng!

Chủ trương ưu tiên bảo tồn văn hóa - Nhóm này đặt biệt chủ trương tạo hoạt động duy trì văn hóa dân tộc qua các tổ chức trại hè, nhạc thính vòng, chiếu phim ảnh Việt Nam. Đa số tránh hoạt động chính trị và rất thận trọng vì sợ tai tiếng, chụp mủ. Họ cố giữ cho mình được “trong sáng”, tránh liên lụy vào các tranh cãi mà họ cho là vô ích.

Một số tin rằng khuynh hướng dân chủ có giá trị toàn cầu. Rồi đây thời thế sẽ đẩy đưa nước nhà đạt được tự do, dân chủ. Hãy hy vọng!

Nhóm 1 và 2 thường không làm việc với nhau. Không ít thì nhiều, họ bị ảnh hưởng từ các bậc cha anh. Cũng có lúc họ âu yếm gọi nhau “phe cực đoan”, “phe thân cộng.”

Chúng ta cần phải nhìn nhận là tại hải ngoại ta không có một kế hoạch hoặc chương trình nào có thể kết hợp ba nhóm. Ở đây tôi không muốn nói đến nhu cầu kết hợp tập trung; tôi muốn nói một chính sách toàn diện đưa đến sự kết hợp giữa các thành phần.

Trong lúc chính quyền Việt Nam mới vừa cho ra một chính sách rõ ràng để “cảm hóa” và thu hút tài năng của các thành phần trẻ tại hải ngoại, thì chúng ta thờ ơ, để mặc cho các nhóm trẻ hoạt động riêng rẻ, rời rạc, theo tiềm thức. Các tiềm thức này, không ít thì nhiều, cũng bị ảnh hưởng bởi sự tranh chấp phe nhóm của các thế hệ đàng anh.

Mẩu số chung của ba nhóm trên là họ còn tha thiết đến Việt Nam. Nếu thoạt nhìn, chúng ta nghĩ là họ có nhiều mâu thuẩn và có khi còn đối chọi với nhau. Nhưng dưới cái nhìn lạc quan thì giữa các nhóm chỉ có khoảng cách trong tư tưởng và hành động. Những chỗ trống này có thể và cần phải được lấp đầy để họ có thể đoàn kết, sánh vai làm việc với nhau.

Muốn được vậy chúng ta cần có một kế hoạch toàn diện, các bạn trẻ cần nhận thức được là sự phát triển kinh tế tự nó không đem đến tự do dân chủ. Vì vậy, các bạn cần có cơ hội thảo luận để hiểu nhau và tìm ra được các yếu tố thuận lợi đưa đến dân chủ cho Việt Nam. Và kế đến là làm sao phát huy được các yếu tố này.

Các bạn sẽ nhận thấy việc tranh đấu cho Việt Nam được dân chủ là một hành trình leo núi dài, gian nan, và cần nhiều sức bền bỉ. Các phương pháp vận động của các nhóm, tuy khác nhau, nhưng nó cũng như nhiều đường mòn lên núi, đều đưa đến một đỉnh duy nhất. Chỉ khi nào các bạn nhận ra và đồng ý với nhau về một mục đích chung, hiểu và thông cảm (tuy không nhất thiết phải đồng ý) đường lối làm việc của nhau, thì các bạn ấy mới tránh được sự chia rẽ, đánh phá, hoặc đội những cái mũ “Thiên tả, thiên hữu, hoặc hòa hợp, hoà giải” cho nhau.

Nếu không được vậy, thì chúng ta chỉ còn tin vào niềm hy vọng. Hy vọng các bạn sẽ không bị chia rẽ, hy vọng lòng yêu nước của các bạn sẽ không bị nguội lạnh, hy vọng các bạn sẽ không bị mất gốc, hy vọng rồi đây chúng ta sẽ thành công trong việc tranh đấu đòi dân chủ, tự do thật sự cho người dân Việt.

Tuy nhiên, chắc bất cứ ai trong chúng ta đều đồng ý, hy vọng không phải là một kế hoạch đưa đến thành công.


Hà Tam Anh

No comments: