Thursday, November 30, 2006

Xuat Cang Dan Chu

Hoa Kỳ đã đưa ra ba nguyên nhân để giải thích cho sự xâm chiếm Iraq: thứ nhất, để tìm và diệt vũ khí hủy diệt hàng loạt [1] (WMD); thứ nhì, để chấm dứt liên hệ và ủng hộ của chính quyền Saddam Hussein với các phần tử khủng bố; và thứ ba, để xây dựng một chế độ dân chủ, tự do tại Trung Đông.

Sau hai năm Hoa Kỳ rốt cuộc phải công nhận là không tìm được WMD. Nếu có nhiều người nghĩ nguyên nhân thứ nhất bắt đầu từ những sai lầm, thiếu sót của tình báo Hoa Kỳ thì cũng không ít người cho nguyên nhân thứ hai là một luận điệu giả dối vì cho đến bây giờ chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa chứng minh được sự liên hệ giữa Saddam Hussein và tập đoàn Osama Bin Laden.

Còn nguyên nhân thứ ba? Hoa Kỳ có xâm chiếm Iraq để “xuất cảng” và áp đặt nền dân chủ của Hoa Kỳ tại Trung Đông hay không? Hoa Kỳ sẽ thành công hay không? Hay đây cũng chỉ là một lý do gượng ép và một hy vọng hão huyền?

Bài viết này sẽ không nhằm trả lời các câu hỏi trên. Nó cũng không có mục tiêu giải thích hoặc biện minh cho chính sách của Hoa Kỳ tại Iraq. Người viết chỉ mong góp một phần suy luận nhỏ cho câu hỏi: “Dân chủ có cần, có thể, hoặc có nên, được xuất cảng hoặc áp đặt hay không?”

Trong khi nhân quyền được chấp nhận như một giá trị toàn cầu, dân chủ thường không được công nhận như là một hình thức chính phủ thích hợp nhất cho mọi người trên thế giới. Dân chủ không phải chỉ có trong lịch sử Tây Âu, nó không xa lạ với châu Á và châu Phi. Tại Ấn Độ, Nhật Bản và các nước tại châu Phi, nền dân chủ đã có qua nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền, và dân trí không nhiều thì ít đều có ảnh hưởng đến việc thiết lập một nền dân chủ thích hợp cho một quốc gia. Nên chọn nền dân chủ nào? Dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện), dân chủ tham gia? v.v…

Dù bất cứ hình thức nào, dân chủ có thể được đâm chồi và phát triển mà không nhất thiết cần có sự tác động trực tiếp từ phía ngoài. Nam Hàn tự chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ mà không cần sự thúc đẩy đáng kể nào của ngoại bang (mặc dù có sự hiện diện của lính Hoa Kỳ trên lãnh thổ). Nền dân chủ tại Thái Lan và Indonesia tuy không hoàn hảo nhưng có thể xem là khá vững chãi mà không có sự áp đặt của Hoa Kỳ. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp tuy có hậu thuẫn từ môi trường châu Âu nhưng nhìn chung thì các quốc gia này tự tìm cho mình một chế độ dân chủ. Nam Phi chọn chế độ dân chủ dưới sức ép của cộng đồng thương mãi và chính sách cấm vận của các quốc gia tự do. Ngược lại, tại Trung và Đông Âu, nhờ vào sự không can thiệp của Nga Sô mà nền dân chủ có thể phát sinh và tồn tại.

Thế thì cộng đồng quốc tế có nên áp dụng chính sách “đèn nhà ai nấy sáng”, tránh can thiệp vào nội bộ của các quốc gia độc tài, tránh xung đột, mâu thuẫn chăng?

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách “hòa hoãn" để đạt và giữ vững quan hệ bang giao với các nước cộng sản. Thậm chí chính sách này còn được đa số chính trị gia Hoa Kỳ ưa chuộng, xem như là thượng sách. Cổ động mạnh nhất cho chính sách này là Henry Kissinger, một người theo thuyết “thực tiễn”[3] từ thời Nixon. Việc đầu tiên của các “thực tiễn gia” là tách rời chánh sách bảo vệ quyền lợi quốc gia ra khỏi phạm trù đạo lý. Vì vậy, Kissinger đã không ngần ngại phản bội đồng minh Việt Nam sau khi bắt tay được với kẻ thù Trung Quốc. Để bảo đảm cho quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẵn sàng gầy dựng và ủng hộ các chính phủ độc tài. Điển hình là Hoa Kỳ đã từng ủng hộ chính quyền của Augusto Pinochet, Omar Khadafi, Ferdinand Marcos. Ngay chính Saddam Hussein cũng do Hoa Kỳ dựng lên.

Chính sách “hòa hoãn” này đã và đang được áp dụng trong suốt hơn 20 năm qua. Triết lý “độc tài cũng được, miễn sao độc tài theo ta và của ta” xem ra khá hữu hiệu. Mọi việc đều được xem là khá êm đẹp, ít nhất là cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Trong số 19 tên khủng bố, 15 tên có quốc tịch A Rập Saudi. Nhiều thành viên Al-Qaeda và chính Osama Bin Laden là người A Rập Saudi. Tuy vậy, giả thuyết cho rằng Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho các chế độ độc tài tại A Rập Saudi, Pakistan, Afghanistan, tạo môi trường sinh sản và nuôi dưỡng quân khủng bố vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Vì vậy, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đầy những mâu thuẫn. Tuy tổng thống Bush viện dẫn lý do xây dựng nền dân chủ tại Trung Đông là một mục đích xâm chiếm Iraq, bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tránh trừng phạt A Rập Saudi mặc dù đã liệt kê nước này vào danh sách các quốc gia cần quan tâm vì vi phạm tự do tôn giáo. Trong lúc tổng thống Bush tuyên bố: “Xây dựng một Iraq tự do là một cơ hội lịch sử để thay đổi thế giới”[4] thì tờ New York Times xem việc xây dựng một chế độ dân chủ tại Iraq là một “mơ ước trẻ con”. Một thượng nghị sĩ tại Kansas còn nói: “Không thể đặt tự do xuống như trải thảm được”.[5]

Thật ra, Hoa Kỳ không cần phải xuất cảng dân chủ. Hoa Kỳ càng không cần phải áp đặt dân chủ bằng máy bay, xe tăng hay súng đạn. Hoa Kỳ chỉ cần ủng hộ cho tự do và tạo điều kiện cho nền dân chủ được tự phát triển. Nói một cách khác, Hoa Kỳ chỉ cần bảo vệ, giúp đỡ các chiến sĩ tranh đấu cho tự do, nhân quyền trên khắp thế giới để chính những người ấy tự xây dựng cho dân của họ một nền dân chủ thích hợp.

Dân chủ không đồng nghĩa với tự do bầu cử. Thật vậy, bầu cử tự do phải là mục đích cuối cùng thay vì là bước đầu tiên của công cuộc xây dựng một nền dân chủ. Hấp tấp đòi hỏi tự do bầu cử tại các quốc gia quen sống dưới chế độ độc tài chẳng khác gì muốn đặt một cái nóc nặng nề trên một cái sườn nhà lỏng lẻo. Xã hội dân chủ phải được xây dựng bằng cách thay thế sự sợ hãi bằng không khí tự do, nơi mà các quyền tự do căn bản của người dân được bảo vệ. Trong mọi hoàn cảnh, khi con người có được sự lựa chọn, lúc nào họ cũng chọn tự do thay cho chuyên chế, dân chủ thay cho độc tài, pháp trị thay cho pháp quyền.

Trước đe dọa của khủng bố, các quốc gia tự do đều nhận thấy rằng sự khác biệt giữa thế giới tự do và thế giới sợ hãi quan trọng nhiều hơn là sự khác biệt của các chính sách ngoại giao. Vì vậy, mặt trận đối lập giữa tư bản và cộng sản đang được thay thế bằng mặt trận đối lập giữa dân chủ và độc tài. Thay vì trực tiếp áp đặt nền dân chủ, Hoa Kỳ và các chính phủ tự do trên thế giới phải ràng buộc chính sách ngoại giao của quốc gia họ với tiến trình dân chủ của các nước độc tài. Các yếu tố phát triển dân chủ (quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tự do xuất ngoại, quyền tự do lập hội, v.v…) cần phải được gắn liền với quyền lợi mà các quốc gia độc tài muốn hưởng.

Bài học Helsinki cho thấy rằng khi sự đòi hỏi tôn trọng nhân quyền được hỗ trợ bằng các chính sách hữu hiệu, tự do và hòa bình sẽ được phát triển. Trong trường hợp Helsinki, Sô Viết đã phải lựa chọn một là tôn trọng nhân quyền, hai là mất cơ hội và quyền lợi làm việc với thế giới tự do. Vì vậy, các thỏa thuận tại Helsinki, tuy lúc đầu bị xem là những lời hứa suông, lại trở thành những quyết định tối quan trọng trong cuộc chiến tranh lạnh.[6]

Chính quyền Hoa Kỳ biết rằng họ không thể chờ đợi các chính quyền độc tài tự nguyện từ bỏ quyền lực cai trị. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng không thể đợi chờ sự đồng tình của mọi quốc gia trên thế giới. Để chứng minh rằng cuộc chiến Iraq không bắt nguồn từ quyền lợi vị kỷ của quốc gia, Hoa Kỳ cần có một chính sách ủng hộ dân chủ và nhân quyền trước sau như một.

10/30/2005


[1] Weapon of mass destruction

[2] détente

[3] realist

[4] “An historic opportunity to change the world” – Primetime Press Conference, 13 tháng 4. 2004

[5] Natan Sharansky & Ron Dermer: The Case for Democracy – The Power of Freedom to Overcome Tyranny and Terror. Public Affairs, New York, 2004

[6] Ibid

No comments: