Saturday, January 13, 2024

Điểm yếu của tui là dễ bị các danh sách liệt kê thu hút.  Thấy bản liệt kê dưới đây hay nên tui tạm dịch để các bạn xem có đồng ý không.

50 LUẬT VÀNG CHO CUỘC SỐNG … KIỂU TÂY 🙂

1. (Đàn ông nên) Đứng dậy khi bắt tay.

2. Khi thương thảo, đừng bao giờ là người đưa ra lời đề nghị trước.

3. Nếu có người nhờ mình giữ bí mật, đừng bội tín.

4. Nếu ai cho mình mượn xe, hãy đổ xăng đầy bình khi đem trả.

5. Làm việc với niềm đam mê, nếu không thì đừng làm.

6. Khi bắt tay, hãy bắt chặt và nhìn thẳng vào mắt đối tượng.

7. Dành thời gian để đi du lịch một mình.

8. Nếu có ai mời mình kẹo ăn để thơm miệng, đừng bao giờ từ chối.

9. Muốn mau già thì nghe lời khuyên của mọi người.

10. Ngồi ăn trưa chung với đồng nghiệp mới.

11. Khi đang nóng giận mà phải viết thơ cho ai đó thì mình nên đọc kỹ, xoá đi, và viết đi viết lại nhiều lần.

12. Không nói chuyện về việc làm, chính trị hay tôn giáo trên bàn ăn.

13. Viết mục tiêu của mình xuống và thực hiện nó.

14. Bảo vệ quan điểm của mình nhưng hãy khoan dung và tôn trọng người khác.

15. Nhớ gọi điện thoại thăm hỏi người thân.

16. Đừng bao giờ hối tiếc bất cứ điều gì, hãy học hỏi từ những lỗi lầm đã làm.

17. Đặt trọng danh dự và lòng trung thành.

18. Nếu biết người ta sẽ không trả tiền thì đừng cho vay.

19. Phải có niềm tin.

20. Làm giường mỗi buổi sáng.

21. Hát trong khi tắm.

22. Chăm sóc một cái cây hoặc một khu vườn.

23. Mỗi khi có cơ hội, hãy ngước mặt nhìn trời.

24. Luôn khám phá các kỹ năng của mình và tìm cách khai thác nó.

25. Yêu thích công việc của mình, nếu không thì tìm việc khác.

26. Nhờ người giúp khi cần.

27. Hãy dạy cho ai một giá trị, tốt nhất là một giá trị nhỏ thôi.

28. Hãy trân trọng và cảm ơn người giúp đỡ mình.

29. Hãy tử tế với hàng xóm.

30. Làm cho một ngày của ai đó hạnh phúc hơn, điều đó cũng sẽ khiến mình hạnh phúc hơn.

31. Hãy cạnh tranh với chính mình.

32 Hãy tự thưởng mình, ít nhất mỗi năm một lần

33. Hãy chăm sóc sức khỏe của mình.

34. Luôn chào hỏi bằng nụ cười.

35. Nghĩ nhanh nhưng nói chậm.

36. Đừng nói chuyện khi miệng đầy thức ăn.

37. Đánh bóng giày, cắt móng tay và luôn giữ gìn vẻ ngoài đẹp đẽ.

38. Không biết thì dựa cột mà nghe.

39. Đừng bao giờ ngược đãi bất cứ ai.

40. Hãy sống như hôm nay là ngày cuối của mình.

41. Đừng bao giờ bỏ lỡ cơ hội để ... lặng thinh.

42. Ghi nhận nỗ lực của mọi người.

43. Hãy khiêm tốn, dù không phải luôn luôn.

44. Đừng bao giờ quên cội nguồn của mình.

45. Khi có dịp, hãy đi du lịch.

46. Không phải lúc nào cũng phải làm việc từng bước.

47  Hãy khiêu vũ dưới mưa.

48. Không bỏ cuộc, ráng tìm sự thành công.

49. Hãy công bằng, đứng lên giúp đỡ những người cần mình.

50. Học cách tận hưởng những giây phút cô đơn.


Chủ nghĩa dân tộc có phải là mối đe dọa đối với nền dân chủ tự do?

Chiến thắng của Đảng Dân Tiến tại Đài Loan chắc làm cho Trung Quốc thất vọng.  

Nhưng trên nhiều quốc gia khác, thế cân bằng mong manh giữa chủ nghĩa dân tộc và nền dân chủ dường như đang lung lay.  Năm 2024 sẽ có nhiều cuộc bầu cử mang tính quyết định tại Ấn Độ, Indonesia, Nam Phi và Hoa Kỳ. Xu hướng cực đoan và khuynh hướng độc tài có thể đẩy nhiều nền dân chủ đến gần bờ vực sụp đổ. Một trong những nguyên nhân chính phía sau các phong trào này là sự bùng nổ của chủ nghĩa dân tộc.  Nó đối đầu trực tiếp với các giá trị tự do, đe doạ quyền tự do cá nhân và chủ nghĩa đa nguyên trên thế giới.   

Chủ nghĩa dân tộc bắt đầu từ bốn vấn đề then chốt:  chính sách di dân, ký ức bản sắc quốc gia, đánh đồng ý dân là ý dân tộc, và vấn đề hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu. Trên 4 khía cạnh này, chủ nghĩa dân tộc đang bị lợi dụng để phá hoại chủ nghĩa tự do.  

Một số quốc gia có các chính sách hạn chế nhận dân di cư (vì sợ đầu độc dòng máu quốc gia) hoặc không công nhận tư cách công dân của họ.  Có khi các quốc gia này ưu tiên nhập cư các dân tộc da trắng, trái với những lời hứa rỗng tuếch về bình đẳng. 

Họ nhắc lại lịch sử để tôn vinh một số di sản văn hóa hay tôn giáo nào đó, đồng thời phỉ báng những “kẻ lạ”. Những nhà lãnh đạo lợi dụng chủ nghĩa dân tộc có sức thu hút đặc biệt vì họ gán cho mình tư cách đại diện cho tinh thần đích thực của đất nước.  Ai khác quan điểm với họ sẽ bị gán tội không yêu nước hay phản quốc. 

Đối với phong trào toàn cầu hóa, các nhà lãnh đạo này có chủ trương hướng nội, họ ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ, tự cường và xem sự hợp tác quốc tế với cặp mắt hoài nghi.  

Mỗi biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc trên đều đi trái ngược với các giá trị đa nguyên, quyền tự do cá nhân bình đẳng, và nền tảng của chủ nghĩa tự do theo hiến pháp. Khi chủ nghĩa dân tộc trở thành tâm điểm của các cuộc bầu cử năm 2024 thì nó có thể đe doạ các nền dân chủ mong manh trên thế giới. 

Các nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa dân tộc thường biện minh cho việc hạn chế quyền tự do dân sự và phủ nhận kết quả bầu cử là sự cần thiết để bảo vệ an ninh quốc gia hoặc bảo vệ lợi ích của dân tộc. 

Nếu không có giải pháp, xu hướng cực đoan và thoái hóa dân chủ có thể leo thang nhanh chóng.

Sunday, January 3, 2021

Mười Nguyên Nhân Hoa Kỳ Thất Bại Trong Cuộc Chiến với COVID-19

Hoa Kỳ đã thảm bại trong việc bảo vệ người dân của mình trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19.

Tuy có dân số chỉ chiếm ít hơn 5% dân số thế giới, nhưng Hoa Kỳ lại có hơn 25% tổng số ca nhiễm COVID-19 toàn cầu.  Nước Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và số người tử vong (hơn 20 triệu ca nhiễm với hơn 350,000 người tử vong.)

Theo báo Los Angeles Times, hiện nay tại Cali, người chết chồng chất tại các nhà xác.  Bệnh nhân nằm kín các hành lang bệnh viện, và các nhân viên y tế đều cạn kiệt sức lực và tinh thần trước cảnh dịch bùng phát.

Tình hình càng ngày càng tệ.  Cứ 10 phút lại có một bệnh nhân COVID chết ở quận Los Angeles.  Đến nỗi các bác sĩ, y tá, và nhân viên cấp cứu đang lâm vào một hoàn cảnh bi đát.  Họ phải chọn người nào và ở mức độ nào để cứu sống.

Tại sao một quốc gia tiên tiến hàng đầu như Mỹ mà lại để cho tình trạng đại dịch trở nên tệ hại đến vậy?

Theo nghiên cứu và nhận xét cá nhân, người viết sẽ liệt kê 10 nguyên nhân chính.

Chú thích:  Nội dung phức tạp của mỗi nguyên nhân cần được đào sâu, khai triển thêm; nhưng công việc đó nằm ngoài phạm vi và mục đích gợi ý của bài viết.  Người đọc có thể dễ dàng truy thêm tài liệu của nguyên nhân nếu cần.

10 Nguyên nhân của sự thất bại

1. Thiếu Lãnh đạo

Nguyên nhân chính, quan trọng nhất và bao trùm nhất của thất bại phải nói là do sự thiếu lãnh đạo từ Donald Trump và chính quyền của ông ta. Từ lúc đầu, Trump đã lãng phí nhiều tuần lễ, không chịu bắt tay vào việc đối phó với nạn dịch.  Ông đã cố bám vào một niềm tin hão huyền rằng virus sẽ tự nhiên "biến mất".

Đến bây giờ mà các chương trình kiểm tra và truy dấu người tiếp xúc bị nhiễm Covid vẫn không đầy đủ.  Đi ngược lại các khuyến cáo của các bác sĩ và khoa học gia, Trump khuyến khích các tiểu bang “mở cửa” hoạt động trở lại.  Ông ta chọn những con số thống kê thích hợp để chứng tỏ rằng tình hình đại dịch tại Mỹ không đến nỗi quá lo ngại.

Trong cuộc phỏng vấn với nhà báo Bob Woodward ngày 19 tháng 3, Trump nói “Tôi muốn luôn luôn xem nhẹ nạn dịch.”  “Cho đến giờ, tôi vẫn muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của nó, vì tôi không muốn tạo ra hỗn loạn.”

Giải pháp cần thiết nhất để phòng ngừa lây nhiễm Covid như đeo khẩu trang cũng bị xem nhẹ hoặc bỏ qua. Theo các nghiên cứu, và được chứng minh từ các quốc gia trong vùng Đông Á Châu, thì chỉ việc đeo khẩu trang thôi cũng có thể làm giảm đáng kể sự lây lan của COVID-19.

Tiếc thay việc đeo khẩu trang cũng bị chính trị hóa. Trump đã nhất định không chịu đeo khẩu trang nơi công cộng cho đến ngày 11 tháng 7, hơn ba tháng sau ngày CDC có lời chính thức khuyến khích mọi người phải đeo khẩu trang để chống lây nhiễm.

Khẩu trang chỉ là một ví dụ điển hình.  Người đọc sẽ thấy vấn đề thiếu lãnh đạo của chính quyền Trump xuất hiện gần như ở mọi nơi trong bài viết này.

2. Xem thường các chuyên gia

Kể từ trước khi đắc cử, Trump đã bác bỏ hoặc xem nhẹ uy tín của các chuyên gia. Ngay cả sau khi Hoa Kỳ có lệnh báo động về Covid-19, ông vẫn xem thường nó.

Vào năm 2018, Trump cho đóng cửa văn phòng đặc biệt của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia chuyên lo chuẩn bị cho những trận đại dịch có thể xảy ra. Các cơ quan tình báo Mỹ đã cảnh báo về mối đe dọa của Covid-19 vào tháng Giêng, nhưng Trump không xem trọng nên không tham dự những cuộc họp của các cơ quan này.

Bộ trưởng bộ Y Tế Alex Azar cũng đưa ra lời khuyên tương tự, và hai lần bị phớt lờ.

Cho tới khi Mỹ có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, ông Trump vẫn khẳng định rủi ro sức khỏe đối với người Mỹ là thấp.

Ngày 25/02, bà Nancy Messonnier – một quan chức cấp cao của CDC nói với các phóng viên rằng virus corona có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng ở Mỹ và có tác động nghiêm trọng tới đời sống hằng ngày.  Ông Trump đã gọi ngay cho Bộ trưởng Y tế Azar trên đường trở về từ chuyến đi tới Ấn Độ và phàn nàn rằng bà Messonnier đang làm khủng hoảng thị trường chứng khoán.

3. Thiếu chuẩn bị và không có sự phối hợp của liên bang

a. Cẩm nang ứng phó đại dịch

Cẩm nang ứng phó đại dịch được truyền từ thời Tổng thống Barack Obama đến Tổng thống Donald Trump là một trong những tài liệu và kế hoạch quan trọng của quốc gia.

Cẩm nang dài 69 trang gồm có các quyết định huy động các cơ quan và những công tác cần thực hiện khi nước Mỹ phải đối đầu với một thảm họa y tế sức khỏe. Tài liệu này nhấn mạnh rằng chính phủ liên bang cần phải điều phối sớm các phản ứng để bảo vệ sức khỏe toàn dân.

Chính quyền Trump đã hoàn toàn không sử dụng cẩm nang này.[i]

b. Khẩu trang, thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), và máy trợ thở (Ventilator)

Ngày 13 tháng 3, các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện đã viết thư kêu gọi Trump sử dụng ”Đạo luật Sản xuất Quốc phòng “để bắt đầu sản xuất thêm các thiết bị cần thiết để đối phó đại dịch như khẩu trang, thiết bị bảo vệ cá nhân và máy trợ thở.

Đạo luật này cho phép tổng thống chỉ định các doanh nghiệp có khả năng sản xuất “dụng cụ khan hiếm và quan trọng” và buộc họ phải sản xuất thêm.

Mặc dù Trump tuyên bố vào ngày 18 tháng 3 rằng ông đang xúc tiến thi hành đạo luật nhưng ông không muốn buộc các công ty sản xuất thêm khẩu trang, máy thở hoặc thiết bị bảo vệ cá nhân. Cho đến ngày 27 tháng 3, Trump mới thông báo rằng ông đã "buộc General Motors chấp nhận, thực hiện và ưu tiên các hợp đồng sản xuất máy trợ thở cho liên bang."

Hơn một tháng trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo các quốc gia về khả năng thiếu PPE.  Thông điệp này được Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về Bệnh Truyền nhiễm tại Đại học Minnesota nhấn mạnh:

“Theo đánh giá của WHO, nhu cầu PPE cao gấp 100 lần so với bình thường và giá cao hơn 20 lần”, trung tâm báo cáo.

Mặc dù chính phủ liên bang có thể tăng cường cung cấp PPE và sử dụng sức mua của mình để mua với giá rẽ hơn, họ đã không làm vậy. Với lượng thiết bị quá ít so với nhu cầu, nhiều tiểu bang đã phải tự tìm kiếm vớt vát mua lại từ các trên thị trường mở.

c. Lệnh đóng cửa và cách ly

Chính quyền Trump đưa ra các hướng dẫn đóng cửa và cách ly tương đối lỏng lẻo.  Họ yêu cầu dân Mỹ "lắng nghe và làm theo" các hướng dẫn từ chính quyền địa phương và tiểu bang. Nhưng các hướng dẫn từ các tiểu bang rất khác nhau.  Một số thống đốc đợi đến tháng 4 mới ra lệnh đóng cửa.  Một số ít thống đốc khác, bao gồm các thống đốc của Arkansas, South Dakota và Iowa, thì quyết liệt chống lại việc đóng cửa hoàn toàn.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y tế Công Cộng Mailman của Đại học Columbia đã dự đoán rằng nếu Hoa Kỳ, vào tháng Ba, thực hiện các biện pháp cách ly chỉ trước một tuần, gần 36.000 người có thể đã không tử vong.[ii]

Bản nghiên cứu này đã được đúc kết từ các tài liệu về sự di chuyển của người dân và sự lây lan của virus từ hàng trăm quận trong nước Mỹ.

Ông Jeffrey Shaman, một trong những tác giả của bản nghiên cứu và là giám đốc của Chương trình Sức khỏe và Khí hậu của Đại học Columbia nói: “Nếu không kịp thời can thiệp, virus sẽ phát triển rất mạnh. Nó sẽ tăng trưởng theo cấp số nhân. Trung bình một người bị nhiễm sẽ lây cho hai người."

Trump đã bác bỏ nghiên cứu này,và gọi nó là một “thủ đoạn chính trị” (political hit job).

4. Phản khoa học

“Nó (nạn dịch) sẽ biến mất,” Trump nói vào ngày 27 tháng 2. “Một ngày nào đó - như một phép màu - nó sẽ biến mất.”

Mặc dù bị nhiễm và được điều trị bằng một loại thuốc thử nghiệm tại bệnh viện quân đội Walter Reed, Trump vẫn gọi các khoa học gia của chính phủ liên bang và ông bác sĩ Fauci là “ngu ngốc,” là một “thảm họa.” [iii]

Trump cáo buộc các bác sĩ và những bệnh viện đã tăng độn tổng số ca tử vong liên quan đến COVID để “kiếm thêm tiền”.[iv]

Hôm 23-3, ông Trump một lần nữa ca ngợi thuốc chloroquine (thuốc chống sốt rét) như một thần dược điều trị Covid.  Ông nói : "Đây là quà tặng từ Thượng Đế nếu nó hiệu nghiệm".

Nghe lời ông ca tụng, một cặp vợ chồng ở tiểu bang Arizona đã ăn một muỗng chloroquine phosphate. Rốt cuộc ông chồng thì chết còn bà vợ thì phải nhập viện.

Trong buổi họp báo ngày 23/4, Trump ngây ngô đặt câu hỏi:

“Tôi thấy các loại chất khử trùng có thể giết chết virus chỉ trong một phút. Vậy có cách nào chúng ta có thể tiêm chúng vào trong người để tẩy uế không?”

Công ty Lysol và các bác sĩ đã phải nháo nhào can ngăn.  Nhà Trắng phải chấm dứt các cuộc họp báo hàng ngày sau khi các các cố vấn của Trump thấy ông bị mất uy tín. Nhưng sau đó Trump cứ tiếp tục dùng Twitter để đưa tin thất thiệt.

Cho đến nay, Trump vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc tụ họp thường xuyên với hàng nghìn người, mặc kệ sự phản đối của nhiều thống đốc.

Bất chấp khuyến cáo của giới chức y tế về các cuộc tụ họp trong nhà, Nhà Trắng vẫn tổ chức khoảng 20 buổi họp mặt trong mùa lễ hội cuối năm. Tối 9/12, Tổng thống Donald Trump đã tiếp đón 200 khách mời chào mừng lễ Hanukah thường niên của người Do Thái.

5. Chính trị hóa nạn dịch

 a.     Chính sách ngừa dịch của mỗi tiểu bang

Chính sách y tế của mỗi tiểu bang còn tùy thuộc vào khuynh hướng đảng phái của tiểu bang đó.

Các chính sách này có ảnh hưởng đến thời gian và thời hạn của lệnh lưu trú tại gia, lệnh cấm tụ tập và nhiệm vụ đeo khẩu trang.

Thái độ của người dân cũng bị ảnh hưởng từ đảng phái và chính sách của từng tiểu bang. Những người sống ở các tiểu bang Dân Chủ có nhiều khả năng chịu mang khẩu trang, tuân theo lệnh ở nhà hoặc cách ly hơn những người sống ở các tiểu bang theo đảng Cộng Hòa.[v]

Jared Kushner, con rể và là cố vấn cấp cao của Trump, nói với Fox News rằng ông thật thấy "kinh tởm" khi các chính trị gia cố gắng sử dụng Covid-19 để ghi điểm chính trị trong năm bầu cử.

Tuy vậy, chính Trump là người đưa sự phân biệt đảng phái vào công cuộc chống đại dịch.

Trong một cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào tháng 9, Trump lại nói số người tử vong vì Covid-19 phần lớn chỉ gia tăng ở "các tiểu bang màu xanh" (theo đảng Dân Chủ.) 

Trump nói tiếp: “Con số tử vong của Hoa Kỳ thực sự đang ở mức rất thấp. Nhưng một số tiểu bang theo đảng Dân Chủ, được quản lý bởi đảng Dân Chủ, lại có con số tử vong cao.”

"Nếu loại bỏ các tiểu bang màu xanh, chúng ta sẽ ở mức mà tôi không nghĩ rằng bất kỳ nước nào trên thế giới có thể đạt được" [vi]

b.     Kêu gọi giải phóng

“Giải Phóng Minnesota,” “Giải Phóng Michigan,” “Giải Phóng Virginia,” là ba khẩu hiệu được Tổng Thống Trump tweet ra hôm Thứ Sáu, 17 Tháng Tư.

Đồng thời, Trump cũng không quên tấn công Thống Đốc Andrew Cuomo (Dân Chủ) của tiểu bang New York, vì những chỉ trích của ông này về sự chậm trễ tiếp cứu của chính quyền liên bang.

Cho đến nay người ta vẫn thấy hàng ngàn người biểu tình, đội mũ đỏ, cầm cờ, và biểu ngữ có tên Tổng Thống Trump xuống đường tại các tiểu bang như Ohio, Texas, North Carolina, Kentucky, Virginia, và Michigan để phản đối lệnh cách ly.

Các cuộc xuống đường này còn quy tụ thêm các nhóm bảo thủ ủng hộ việc thu hẹp chính quyền, chống chích ngừa, và ủng hộ quyền sử dụng súng.

6. Thiếu phương tiện kiểm tra Covid

Cho đến nay, thất bại rõ ràng nhất của chính phủ là sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng để thử nghiệm Covid-19 cho mọi người.  Kiểm tra là chìa khóa để đối phó với đại dịch vì càng có nhiều tài liệu về các đợt bùng phát của dịch, các chuyên gia y tế càng ứng phó tốt hơn.

Thay vì kêu gọi thử nghiệm nhiều hơn, Trump đã kêu gọi Hoa Kỳ nên thử nghiệm ít hơn. Ông đã nhiều lần đổ lỗi cho việc gia tăng con số nhiễm bệnh là vì Hoa Kỳ thử nghiệm nhiều quá.

Ông nói: "Nếu bây giờ chúng ta ngưng kiểm tra Covid-19 thì chúng ta sẽ có ít hoặc gần như không có ca nhiễm nào" [vii]

Dĩ nhiên ai cũng biết rằng ít thử nghiệm hơn chỉ có nghĩa là ít phát hiện những ca nhiễm hơn, chứ không phải là ít có người nhiễm bệnh.

 7. Quan niệm sống tự do hay là chết

 Người Mỹ thích tụ tập trong nhà và họ rất ghét bị cách ly. Theo nghiên cứu thì tỷ lệ lây nhiễm virus từ người bị nhiễm bệnh trong nhà cao hơn khoảng 19 lần so với ngoài trời[viii].  

Tuy nhiên nhân sinh quan về cuộc sống tự do của người Mỹ rất mạnh.  Sau vài tháng bị cô lập, họ cần phải đi chơi, đi ăn, tụ họp.

Vào tháng Tám, cuộc họp mặt Mô Tô Sturgis lần thứ 80 tại tiểu bang Nam Dakota đã thu hút hàng trăm ngàn người. Trong mười ngày họp mặt, những người tham dự kéo về ngồi chật quán rượu và các buổi trình diễn ca nhạc, hầu hết không ai giữ khoảng cách hay đeo khẩu trang.

"Chúng tôi sẽ cưỡi Harleys đến tham dự, và sau đó chúng tôi ... sẽ bị nhiễm bệnh và chết. Nhưng tất cả chúng tôi đều cảm thấy thực sự sung sướng trong một phút. "

Tuy phần đông người Mỹ không có triết lý sống liều mạng như vậy.  Nhưng nhìn chung quanh, chúng ta có thể thấy nhiều trường hợp mà người ta vẫ tiếp tục đi gym, đi ăn hoặc họp mặt tiệc tùng cuối tuần.

8. Dân số nhà tù

Nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất là những nơi mà hàng chục năm nay đã chật cứng người.  Đó là những nhà tù.

Số người bị giam tại Mỹ hiện nay là khoảng 2.3 triệu người, con số này đã tăng gấp bảy lần kể từ những năm 1970.

Nếu dựa trên dân số, nước Mỹ giam giữ khoảng 5 đến 18 lần nhiều hơn các nước dân chủ Tây phương khác[ix]. Nhiều nhà tù ở Mỹ bị chật cứng và vượt quá sức chứa, khiến tù nhân không thể cách ly được. Xà phòng thường thì khan hiếm.  Nạn nhiễm lây tràn không thể nào tránh khỏi.

9. Viện dưỡng lão

Tuy các viện dưỡng lão và cơ sở chăm sóc sức khỏe dài hạn của Mỹ chỉ chứa ít hơn 1% dân số, nhưng tính đến giữa tháng 6, số người chết tại các viện này đã chiếm 40% tổng số ca tử vong do Covid-19 ở Mỹ. [x]

Hơn 50.000 người già và nhân viên đã thiệt mạng. Ít nhất là 250.000 người lân cận cũng bị nhiễm bệnh.

Những con số nghiệt ngã này không chỉ phản ánh cái tác hại lớn lao mà COVID 19 đang gây ra đối với người cao tuổi, mà nó còn có ảnh hưởng đến sự chăm sóc của người già.

Trước đại dịch, cứ bốn viện dưỡng lão thì có ba viện thiếu nhân viên. Đến nay thì cứ năm viện thì bốn viện không có khả năng kiểm soát nhiễm trùng.

Từ lâu, ¼ những nhân viên làm việc tại các viện dưỡng lão thường là người di dân.  Các chính sách giảm người nhập cư của chính quyền Trump đã làm tăng thêm sự thiếu thốn nhân lực tại các nơi này.

10. Y tế công cộng và bệnh viện

 Hệ thống y tế công cộng của Hoa Kỳ đã bị thiếu hụt trong nhiều thập kỷ.  Sau khi được điều chỉnh theo lạm phát thì ngân sách hàng năm của CDC dành cho việc chuẩn bị khẩn cấp cho sức khỏe người dân (khoản tiền dành để đối phó với đại dịch và các thảm họa khác) đã giảm hơn một nửa từ 1.4 tỷ đô la trong năm 2002 xuống còn 675 triệu đô la vào năm 2020.[xi]

Ngân khoản dành cho việc chuẩn bị cho các bệnh viện còn bị giảm với tốc độ nhanh hơn - 62% - từ 723 triệu đô la năm 2004 xuống còn 275.5 triệu đô la vào năm 2020.

Các bệnh viện Hoa Kỳ hoạt động dựa trên tiêu chuẩn “Just-in-Time” (JIT).  Tóm lược ngắn gọn nhất của JIT là: “Đúng sản phẩm – với đúng số lượng – tại đúng nơi – vào đúng thời điểm cần thiết”.

Giải thích JI một cách nôm na hơn là:  khi nào cần mới làm.

Nhưng trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay, các sản phẩm thường được làm ở các quốc gia có sức lao động rẽ.  Khoảng một nửa số khẩu trang trên thế giới được sản xuất tại Trung Quốc, một số được sản xuất ở tỉnh Hồ Bắc. Khi khu vực đó trở thành trung tâm của đại dịch thì nguồn cung cấp khẩu trang bị xuống cấp trong lúc nhu cầu của nó thì tăng vùn vụt.

Vào tháng Tư, 4/5 y tá cho biết là họ không có đủ thiết bị bảo vệ cá nhân.[xii]

 Kết

Như đã nói từ đầu, nguyên nhân chính, quan trọng nhất và bao trùm nhất của sự thất bại của nước Mỹ trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19 là sự thiếu lãnh đạo từ Donald Trump và chính quyền của ông ta.

Khi phải đối phó với đại dịch, người lãnh đạo cần tập hợp được quần chúng. Người lãnh đạo phải nói lên sự thật, phải nói rõ ràng và có chính sách nhất quán.

Thay vào đó, Trump liên tục mâu thuẫn với các chuyên gia y tế, với các cố vấn khoa học và với chính ông.[xiii]

Một mặt ông ta nói “không ai nghĩ là đại dịch có thể xảy ra” nhưng một mặt ông lại nói “từ lâu tôi đã cảm thấy nó là một đại dịch, tôi cảm thấy vậy trước khi người ta gọi nó là đại dịch.”[xiv]

Cả hai tuyên bố không thể đúng cùng một lúc, và trên thực tế không có tuyên bố nào đúng cả.

Trump là một người góp phần vào thảm trạng đại dịch COVID 19 hiện nay. Ông ta không phải là người duy nhất phải chịu trách nhiệm về sự thất bại trong công cuộc chống dịch của nước Mỹ, nhưng ông ta là trung tâm của sự thất bại đó.



[ii] https://www.medrxiv.org/content/10.1101/2020.05.15.20103655v1.full.pdf

[v] https://www.brookings.edu/blog/up-front/2020/09/17/politics-is-wrecking-americas-pandemic-response/

[vi] https://www.newsweek.com/fox-news-matthew-mcconaughey-criticizes-both-sides-politicization-coronavirus-1541004

[xi] https://www.jsonline.com/in-depth/news/2020/10/14/america-had-worlds-best-pandemic-response-plan-playbook-why-did-fail-coronavirus-covid-19-timeline/3587922001/

Monday, December 11, 2006

NHẬN XÉT LẠI NHỮNG QUAN ĐIỂM VỀ XÃ HỘI DÂN SỰ TẠI VIỆT NAM

Chiến tranh lạnh chấm dứt. Mỹ và các nước tự do thoạt đầu đặt nhiều hy vọng vào tiến trình bành trướng của nền dân chủ toàn cầu. Hàng loạt các nước cộng sản từ bỏ cái chủ nghĩa mà họ đã tốn bao nhiêu xương máu bảo vệ, mở màn cho đợt sụp đổ của các chính quyền toàn trị. Nhưng sự lật ngã của các mảnh domino Nga Sô, Đông Đức, Ba Lan và Tiệp Khắc đã không đủ ảnh hưởng tới Trung Quốc, Việt Nam, Cuba và Bắc Hàn như mọi người mong đợi. Đối với các nước ngoan cố giữ vững chế độ độc tài này, ngưòi ta chỉ còn đặt kỳ vọng vào phong trào tiến hóa giai đoạn, song song với sự phát triển kinh tế, mở rộng thông tin, và xây dựng nền móng xã hội dân sự để làm môi trường cho tự do, dân chủ.

Tại những nước cộng sản còn lại, các cuộc biểu tình bài tỏ phô trương ước vọng tự do của người dân được chính quyền Mỹ đặcbiệt chú ý. Trong thế kỷ 20, các cuộc biểu tình đòi quyền bình đẳng cho người da đen, cho phụ nữ, các phong trào bảo vệ môi trường, v.v.. thường bắt rễ từ các tổ chức phi chính phủ (Non-Governmental Organizations) . Cách nhìn xã hội dân sự như một xúc tác cho các thay đổi chính sách của một quốc gia đã được người Mỹ công nhận và xem như chuyện hiển nhiên. Vì vậy, tuy không nói ra, nhưng chính quyền Mỹ cũng ngầm mong là xã hội dân sự tại các nước độc tài sẽ tạo môi trường thuận lợi cho tự dodân chủ phát triển.

Nhưng xã hội dân sự là gì? Việt Nam có xã hội dân sự không và nó đóng vai trò gì trong tiến trình tự do hóa và dân chủ hóa đất nước?

Định nghĩa của xã hội dân sự thay đổi tùy theo chiều rộng hoặc chiều dài của từ ngữ. Ở cái nhìn rộng nhất, xã hội dân sự bao gồm mọi nhóm và mọi hoạt động không bị ràng buộc bởi chính quyền: các hội kinh doanh, các tổ chức tôn giáo, tổ chức chính trị, tổ chức truyền thông, báo chí tư nhân, hội từ thiện, câu lạc bộ, v.v.. Riêng hoặc chung, tất cả các tổ chức này đều góp phần giúp phát triển đặc tính đa nguyên của xã hội và ảnh hưởng đến quan hệ của xã hội và chính quyền.

Vì chính quyền Việt Nam lúc nào cũng tìm cách dập tắt các tổ chức chính trị, bài viết này sẽ chỉ dùng một phần định nghĩa của xã hội dân sự để chú trọng vào các tổ chức thiện nguyện, phi chính trị, có thể phát triển được tại Việt Nam hiện giờ.

Các nhà xã hội học đều công nhận rằng sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ thường là dấu hiệu tiến nhanh của xã hội. Khi đất nước càng được tự do, các tổ chức phi chính phủ càng có cơ hội nắm lấy một số chức năng mà chính quyền trong quá khứ độc quyền quản lý (thí dụ như các công tác xây cầu ở vùng sâu, vùng xa; ủy lạo nạn nhân bão lụt, câu lạc bộ thể thao, v.v..) Trong tương lai, những tổ chức phi chính phủ lại còn có tiềm năng trở thành các tiếng nói chung, có ảnh hưởng đáng kể đến sự thay đổi chính sách quốc gia. Vì các lý do trên, tuy chủ trương không làm chính trị (hoặc ít nhất là không làm chính trị một cách lộ liễu), các tổ chức ấy có thể giúp mở rộng môi trường hoạt động chính trị tại Việt Nam.

Mặc dù vậy , nhiều chính trị gia và các nhà hoạt động dân chủ tại hải ngoại thường chỉ nhận xét hời hợt, lướt qua, hoặc thậm chí làm ngơ trước sự hiện diện của các tổ chức phi chính phủ, phi chính trị tại Việt Nam.

Có ba nguyên nhân cho sự thiếu sót này.

Thứ nhất - Người ta xét đoán sai lầm là hiện nay tại Việt Nam không có đời sống xã hội dân sự. Hoặc nếu có, thì nó cũng còn quá ít, quá mới, và quá lạ với đại đa số quần chúng. Cũng trong cách nhìn này, chính quyền Việt Nam hoàn toàn không bị ảnh hưởng hoặc miễn nhiễm trước sự đòi hỏi, chất vấn của người dân. Nguyên nhân chính cho sự ít ỏi của các tổ chức phi chính phủ là vì người dân thiếu khái niệm thành lập các tổ chức xã hội. Vì vậy xã hội dân sự tại VN chỉ có thể được đánh thức trong tiến trình dân chủ hóa, mà thường là do sự giựt dây của cộng đồng Việt Nam tại hải ngoại.

Vì quan niệm trên, mọi khích động trong xã hội – như phong trào biểu tình đòi đất đai, đình công v.v..- thường được xem (nhầm) là tín hiệu của tiến trình phát triển dân chủ thay vì nhìn nhận chúng chỉ là phong trào đòi quyền lợi (không liên quan gì đến chính trị) của người dân.

Những ai có về Việt Nam nếu chú ý sẽ thấy rằng trong nước hiện nay có nhiều tổ chức xã hội. Mặc dù hoạt động của chúng bị giới hạn, thậm chí có khi bị đàn áp, nó vẫn có sức tồn tại dẽo dai. Các hội đoàn ủy lạo thiên tai, các hoạt động từ thiện tôn giáo (xây cầu, chuyên chở bệnh nhân cần cấp cứu đến bệnh viện, các nhà thuốc nam miễn phí, v.v..) càng ngày càng mạnh, tạo thêm niềm tin trong dân chúng, cắ rời dân chúng ra khỏi cái “dây rốn”[1] của chính phủ.

Thứ hai - Người ta thường xem xã hội dân sự tại Việt Nam là một khối, có tính chất đồng nhất và thống nhất. Tính đồng nhất và thống nhất ở đây là lòng khao khát tự do, dân chủ. Theo cách nhìn của cộng đồng người Việt tại hải ngoại thì mỗi người dân trong nước đều là những động lực đòi hỏi chính phủ phải đa nguyên, đa đảng. Trên thực tế thì đại đa số dân Việt Nam, nhất là nhóm trẻ, không chú tâm vào chính trị. Ở phương diện lý thuyết, nó quá xa vời với đời sống hàng ngày của người dân. Thật ra thì mong muốn của người trong nước cũng thay đổi và đa dạng như mong muốn của những người ở các nước tự do vậy. Phần đông lo chuyện cơm ăn, áo mặc và học vấn cho con mình. Chỉ có một phần ít trí thức là có nhận thức chính trị. Khi Việt Nam càng phát triển kinh tế, được gia nhập vào WTO thì xã hội dân sự lại càng thêm phức tạp và sự khác biệt ý thức chính trị của người dân càng nới rộng ra, thậm chí có thể đưa đến những mâu thuẩn trong ý thức hệ. Điển hình như ở Trung Quốc, mặc dù sự phát triển của tầng lớp kinh doanh tư nhân có giúp một phần cho việc tự do hóa các phương tiện thông tin báo chí, chính tầng lớp doanh nhân này lại có ý thức chính trị bảo thủ hơn hết. Họ sợ sự thay đổi của chính quyền sẽ làm hổn loạn các cơ hội làm ăn của họ.

Thứ ba - Nhầm lẫn thứ ba thường vấp phải trong cái nhìn về xã hội dân sự là khi người ta cho rằng chính quyền và xã hội lúc nào cũng có sự xung đột. Xã hội dân sự thường được định nghĩa là một lực đối chọi với chính phủ. Vì mọi cải cách chính trị là vấn đề ăn thua giữa người dân và chính phủ nên xã hội dân sự càng ngày càng phải được tách rời ra khỏi chính quyền, càng ngày càng phải đương đầu trực tiếp với chính quyền.

Kế hoạch trên tuy “cần” nhưng không “đủ” để phát triển hữu hiệu xã hội dân sự tại Việt Nam. Trên phương diện chính trị, quan niệm trên không những “hạn hẹp”, nó còn tạo chướng ngại cho tiến trình đòi tự do và dân chủ cho Việt Nam.

Trên thực tế thì trong một chế độ toàn trị không có biên giới rõ rệt giữa chính quyền và xã hội. Ngược lại, chính phủ xâm nhập vào xã hội để uốn nắn nó. Mặc dù chúng ta nỗ lực tăng thêm sự tách rời giữa chính phủ và xã hội, ít nhất là trong thời điểm này, khi lằn ranh còn mù mờ, chúng ta cần phải tìm thêm một chính sách, kế hoạch và phương tiện hoạt động toàn diện hơn.

Sự phát triển của xã hội dân sự trong tiến trình tự do hóa Việt Nam không nhất thiết chỉ đập vỡ cái khuôn của mối liên hệ giữa chính quyền và xã hội - nó còn là một tiến trình nhào nắn, phân vai lại. Muốn cho xã hội dân sự phát triển, chính quyền và xã hội phải đồng ý định nghĩa lại vai trò và chỗ đứng của người dân. Ở định nghĩa mới này, xã hội là một tập họp của nhiều cá thể riêng biệt chứ không phải là một khối thuần nhất. Người công dân không phải chỉ có sự liên hệ với nhau (trong xã hội) mà còn cần phải có liên hệ với chính phủ. Vì lý do đó, một số hoạt động phát triển xã hội dân sự phải xảy ra trong chính các lĩnh vực được chính phủ điều khiển hoặc chấp nhận.

Tại Trung Quốc, luật thuế má chung cho mọi công dân đã mở đầu cho một khái niệm mới. Người dân Trung Quốc nhận thức được sự thay đổi chổ đứng của mình: từ “đầy tớ của Đảng” sang “chủ nợ” của chính phủ. Họ đã bắt đầu đòi hỏi chính phủ phải có trách nhiệm làm sáng tỏ và báo cáo các chi thu. Các câu lạc bộ phụ nữ lúc đầu được thành lập để trao đổi kiến thức quản lý gia chánh từ từ mở rộng hoạt động thành các phong trào chống chính sách một con. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cũng lên tiếng phanh phui các vụ tham nhũng có liên quan đến công trình khai thác lâm sản. Gần đây nhất, khi chính quyền Trung Quốc ban lệnh giới hạn mỗi nhà chỉ được nuôi một con chó, các hội bảo vệ súc vật đã phản ứng mạnh mẽ. Nhìn chung thì những tổ chức xã hội trên tuy có khi được xem là cánh tay nối dài của chính phủ, nhưng chỉ có chúng là có môi trường thuận lợi để gióng tiếng nói thay đổi chính sách quốc gia.

Nhìn một cách xa hơn, các tổ chức này – tạm xem như những phương tiện liên hệ giữa xã hội và chính quyền - còn có thể đem lại nhiều mối lợi cho quá trình phát triển tự do chính trị. Khi có những đảng viên thức tỉnh, nhận thấy và mong muốn thay đổi, họ có nhiều triển vọng củng cố chổ đứng của mình hơn nếu họ có thể tạo được liên minh với các thành phần, tổ chức trong xã hội dân sự có cùng quan điểm. Vào thập niên 80 ở Trung Quốc, thành phần tiến bộ trong chính phủ đã liên kết với các tầng lớp trí thức trong xã hội để chống đảng. Những người tiên phong cho việc xây dựng một xã hội dân sự cần nhận thức được quy tắc cốt yếu của phong trào phát triển tự do là: những thay đổi nào có được sự đồng ý của chính quyền – cho dù chỉ là đồng ý ngầm - sẽ có nhiều cơ hội tồn tại và thành công hơn là các tổ chức bị cấm đoán.

Albert Einstein từng nói: “Chúng ta không thể giải quyết vấn đề với cùng một cách suy nghĩ khi tạo ra nó”[2] Một số ý kiến đưa ra trong bài này thể tạo sự khó chịu, bất đồng, có khi còn dẫn đến sự giận dữ từ người đọc. Tuy nhiên, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách nhìn sự việc, các lý thuyết, các giới hạn của khuôn khổ hành động [3] để xã hội dân sự tại Việt Nam có thể phát triển và thành công hơn.

Huỳnh Khôi

12/4/2006



[1] Umbilical cord

[2] “We cannot solve our problems with the same thinking we used when we created them” – Albert Einstein

[3] Paradigm

Sunday, December 10, 2006

“DÂN CHỦ TRONG ĐẢNG” Ở TRUNG QUỐC: HƯỚNG VỀ HỆ THỐNG “MỘT ĐẢNG, HAI THÀNH PHẦN”?

Không có giải đáp đơn giản cho câu hỏi khi nào hoặc làm sao để nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa có dân chủ. Sự chuyển biến đưa đến dân chủ của quốc gia đông dân cư nhất thế giới này, nếu có xảy ra, thì chắc không phải là chuyện dễ. Hiện tại Đảng Cộng sản Trung Quốc giành độc quyền chính trị, cấm đoán thành lập các đảng phái có khả năng cạnh tranh với mình, hoặc sự hình thành một guồng máy tư pháp độc lập. Trong thời gian gần đây, Đảng cũng kiểm soát nghiêm ngặt các phương tiện truyền thông đại chúng; tăng cường các công tác kiểm duyệt chặt chẽ. Vì không có phong trào phản kháng nào vừa được tổ chức chu đáo vừa có tầm hoạt động sâu rộng, Trung Quốc khó có thể phát triển được một hệ thống chính trị đa đảng trong tương lai gần.

Mặc dù vậy, người ta sẽ nhầm nếu không để ý đến các phát triển chính trị quan trọng đã và đang xảy ra trong vài năm gần đây. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Thủ tướng Ôn Gia Bảo và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác trong các cuộc họp mặt và tại các buổi họp chính thức đã bắt đầu thảo luận về sự cam kết cải cách chính trị và phát triển nền dân chủ giới hạn. (Liaowang Xinwen Zhoukan, tuần báo Quan điểm Tin tức], ngày 15, tháng 10) [1] . Đáng kể nhất có lẽ là những động lực mới đang xuất hiện trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Các lãnh tụ Trung Quốc đã bắt đầu dùng từ “Ðảng nội dân chủ” (dangnei minzhu) để mô tả quan niệm là Đảng cần phải thành lập một thể chế cân bằng và kiểm soát (check and balance) trong chính cấp lãnh đạo (Tân Hoa Thông tấn xã, 6/1).

Những phát triển gần đây trong tầng lớp chính trị gia ưu tú tại Trung Quốc có thể được mô tả như một sự tiến hoá của hệ thống “một Đảng, hai thành phần”. Hệ thống này tiêu biểu cho sự xuất hiện từ cuối thập niên 90 của hiện tượng cân bằng quyền lực giữa hai khối chính trị tuy không chính thức nhưng hầu như lúc nào cũng có quyền lực ngang nhau. Lần đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc, quyền hành của đảng cai trị không còn nằm trong tay của một lãnh tụ độc tài như Mao Trạch Đông hoặc Đặng Tiểu Bình nữa. Thay vào đó, nó được chia sẻ giữa hai thành phần hoặc hai liên minh đang cạnh tranh với nhau. Người ta không thể phân loại hai thành phần này dựa trên ý thức hệ như cấp tiến hay bảo thủ, hoặc cải cách hay cứng rắn. Nếu gọi cho đúng thì hai thành phần này là: (1) “liên minh ưu tú” dẫn đầu bởi cựu chủ tịch Giang Trạch Dân và đương kim phó chủ tịch Tăng Khánh Hồng và (2) “liên minh dân tuý” dẫn đầu bởi chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo. Hai nhóm này có những đặc điểm như sau: (1) hai liên minh đại diện cho hai thành phần xã hội-chính trị và địa lý khác nhau; (2) hai liên minh có chính sách hoạt động và ưu tiên trái ngược nhau; và (3) tuy có những vấn đề đưa đến sự cạnh tranh nhưng cũng có những vấn đề mà hai thành phần đồng ý hợp tác với nhau.


Tương phản về xã hội-chính trị và địa lý

Liên minh ưu tú và liên minh dân tuý có những khác biệt một trời một vực trong phương diện xã hội chính trị và địa lý. Những khác biệt này phần nhiều là phản ánh của sự nghiệp và quan hệ chính trị riêng của tầng lớp lãnh đạo. Phe nòng cốt của liên minh ưu tú là một lớp người mang tên “Nhóm Thượng Hải”. Nhóm này bao gồm các nhà lãnh đạo nổi bật Wu Bangguo (Chủ tịch Quốc hội Nhân dân), Hoàng Cúc (Phó Thủ tướng), Trần Lương Vũ (cựu Bí thư Thành uỷ Thượng Hải) và Tăng Bồi Viêm (Phó Thủ tướng). Giống như Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng, các nhân vật nổi bật trong liên minh này - như Vương Kỳ Sơn (Thị trưởng Bắc Kinh), Bo Xilai (Bộ trưởng Thương mại) và Châu Tiểu Xuyên (Giám đốc Ngân hàng Quốc gia) – cũng đều là những ông vua con, hoặc là con cháu của các viên chức cao cấp.

Nhiều thành phần lãnh đạo của nhóm liên minh ưu tú này đã được gửi đi học ở nước ngoài (nhóm được gọi là “Hải Qui”) và có kiến thức tiến bộ trong các lãnh vực tài chính, thương mại, đối ngoại, kỹ nghệ tin học, và giáo dục. Họ đại diện cho quyền lợi của tầng lớp khá giả, có văn hoá cao cũng như của những vùng duyên hải có nền kinh tế phát triển. Theo một nghiên cứu chính thức của Trung Quốc được công bố cách đây không lâu thì trong 3.220 doanh nhân Trung Hoa giàu nhất (mỗi doanh nhân có tài sản trị giá trên 100 triệu nhân dân tệ, hay $12.7 triệu dollar Mỹ) một số lớn là con cháu của các viên chức cao cấp, phần đông sống ở tám tỉnh và thành phố ven biển (Quảng Đông, Chiết Giang, Thượng Hải, Bắc Kinh, Giang Tô, và Liêu Ninh). Khoảng 85-90% làm việc trong 5 khu vực: tài chính, ngoại thương, bất động sản, xây cất và an ninh.

Ngược lại, cả Hồ Cẩm Đào lẫn Ôn Gia Bảo không ai xuất thân từ gia đình có nhiều thành tích chính trị. Không những vậy, họ đã sống và làm việc nhiều năm tại những vùng nghèo đói nhất của Trung Quốc. Phần đông thành viên của liên minh dân tuý tiến thân từ chính quyền địa phương, nhiều người làm việc trong các khu vực như đoàn thanh niên, quản lý nông thôn, tổ chức Đảng, cơ quan tuyên truyền, mặt trận thống nhất lao động và luật pháp. Cũng giống như Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo, họ lớn lên từ những gia đình sống sâu trong nội địa và không được ưu đãi. Thành phần nòng cốt của liên minh dân tuý là Đoàn Thanh niên Cộng sản, hoạt động dưới sự lãnh đạo của Hồ Cẩm Đào vào đầu thập niên 80. Bốn người có triển vọng gia nhập Bộ Chính trị cũng như Ban Bí thư Trung ương kỳ tới là: Bí thư Đảng uỷ tỉnh Liêu Ninh Li Keqiang, Bí thư Đảng uỷ tỉnh Giang Tô Li Yuanchao, Giám đốc Mặt trận Thống nhất Lao động Liu Yandong và Bí thư Đảng uỷ tỉnh Sơn Tây Zhang Baoshun - cả bốn nhân vật này đã từng hoạt động dưới quyền của Hồ Cẩm Đào trong Đoàn Thanh niên Cộng sản hồi đầu thập niên 80. Tân Bí thư Đảng uỷ của thành phố Trùng Khánh, một ngôi sao mới mọc của thế hệ lãnh đạo thứ năm cũng đã làm việc cho Đoàn Thanh niên của tỉnh An Huy.


Từ Giang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Đào: Một sự thay đổi chính sách

Mặc dù nền kinh tế Trung Quốc đã phát triển một cách ngoạn mục trong thời đại Giang Trạch Dân, ở thời điểm này người ta cũng chứng kiến sự cách biệt càng ngày càng xa của mức lợi tức giữa người giàu và người nghèo, giữa người sống trong nội địa và người sống ở các vùng duyên hải. Giang Trạch Dân đã phân phối tài nguyên một cách bất cân xứng, ưu tiên các nguồn tài chính để phát triển Thượng Hải và các thành phố ven biển trong lúc bỏ rơi nhiều tỉnh trong lục địa. Trong vòng một thế hệ mà Trung Quốc đã thay đổi từ một trong những quốc gia công bằng nhất trên thế giới - với hệ số Gini là 0.33 năm 1980 – sang một quốc gia thiếu công bằng nhất với hệ số Gini là 0.45 năm 2004 [2] . Thêm vào đó, Trung Quốc đã phải trả một giá khổng lồ cho sự thoái hoá môi trường do tư duy thiển cận, chỉ chú tâm vào việc phát triển kinh tế bằng mọi giá.

Cảnh giác bởi những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến đường lối chỉ đạo của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào sau ba năm nắm quyền đã thay đổi tiến trình phát triển của Trung Quốc ở ba chiều hướng. Thứ nhất, thay vì chỉ chú trọng phát triển tổng sản lượng nội địa (GDP) cho thật nhanh, ông chọn một mô hình phát triển đặt nặng hướng phát triển bền vững và thân thiện với môi trường hơn. Thứ hai, thay vì chỉ chú trọng phát triển các thành phố ven biển, ông chọn một kế hoạch phát triển cân bằng địa phương hơn. Thứ ba, ông Hồ thay đổi chiều hướng chính sách phát triển quốc gia để không còn thiên vị doanh nhân và các thành phần ưu tú trong xã hội mà chú trọng hơn đến việc bảo vệ quyền lợi của nông dân, công nhân di trú (những công dân phải bỏ quê ra tỉnh tìm việc làm), thành phần thất nghiệp tại thành thị, và những thành phần xã hội yếu kém khác. Việc chú trọng phát triển công bằng tại mọi vùng đã giúp cho những thành phố nằm sâu trong nội địa như Thành Đô, Trùng Khánh và Tây An phát triển kinh tế mau lẹ nhờ sức mạnh của vốn đầu tư. Điển hình là những dự án trùng tu kỹ nghệ tại Trùng Khánh sẽ nhận được số tiền đầu tư là 350 tỷ nhân dân tệ ($43.5 tỷ dollar Mỹ) trong vòng 5 năm tới (Diyi Caijing Ribao, nhật báo Kinh tế và Tài chánh thứ nhất ngày 6, tháng 2).

Ðồng thời, Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã thực hiện một số biện pháp đắc nhân tâm như giảm bớt gánh nặng thuế má cho nông dân, huỷ bỏ những quy định kỳ thị công nhân di trú, và phát động phong trào uỷ lạo toàn quốc cho những người thiếu thốn. Sự thay đổi chủ trương và chính sách này chứng tỏ cho người dân thấy là tầng lớp lãnh đạo Trung Hoa không những nhận thấy được sự căng thẳng và các khó khăn của quốc gia, họ còn sẵn sàng đối phó với chúng một cách tích cực và đúng lúc.


Tranh đua, hợp tác và tương thuộc phức tạp

Trong lúc hai thành phần trong Đảng Cộng sản cạnh tranh với nhau về quyền lực, ảnh hưởng và quyền chủ động ban hành chính sách, họ cũng hợp tác với nhau để giữ bền vững cho nền chính trị của Trung Quốc. Một hiện tượng đáng chú ý là trong 6 ban lãnh đạo tối quan trọng, điển hình như chức vụ Chủ tịch nước và Ban Quân sự Trung ương, hai chức vụ cao nhất của mỗi cơ cấu này lúc nào cũng được chia đều cho thành phần lãnh đạo của hai liên minh [3] . Sự phân chia này tạo ra một hệ thống cân bằng và kiểm soát nội bộ. Mặc dù liên minh dân tuý của Hồ Cẩm Đào tiếp tục lớn mạnh, sự liên quan tương thuộc phức tạp này có thể sẽ được tiếp tục trong nhiều năm tới.

Chính trị bè phái dĩ nhiên không phải là một hiện tượng mới tại Trung Quốc, cái mới lạ ở đây là khuynh hướng hợp tác và chia sẻ quyền lợi thay vì mạnh được, yếu thua (zero-sum). Xu hướng này phản ánh một thực tế là không liên minh nào có đủ sức mạnh để đánh bại địch thủ của mình. Họ cũng không tìm cách hạ bệ nhau. Mỗi liên minh đều nhận thức được là họ có những sức mạnh mà phe kia không có, và ngược lại cũng thế. Ví dụ như các viên chức tại tỉnh Tuanpai rất giỏi giải quyết các vấn đề về tổ chức và tuyên truyền. Họ thường có nhiều kinh nghiệm quản lý nông thôn, nhất là ở các vùng nằm sâu trong nội địa. Vì ít tiếp xúc với lĩnh vực tài chính và thương mại, họ không đủ kiến thức luận giải nền kinh tế của quốc tế. Không những không tìm cách hạ nhau, hai liên minh còn có một số mục tiêu chung: bảo đảm sự an toàn cho Đảng Cộng sản Trung Quốc và đẩy mạnh địa vị của Trung Quốc lên hàng đầu quốc tế. Những mục đích chung này làm cho cái được gọi là “hệ thống lưỡng đảng với đặc điểm Trung Quốc” sẽ được duy trì trong tương lai gần đến trung hạn tới đây.

Vì giới lãnh đạo và các phe phái trong Đảng luôn tham gia vào việc xây dựng liên minh, thương lượng và thoả hiệp, nên chắc chắn họ sẽ tìm cách bảo đảm để tiếp tục được cầm quyền tập thể. Việc mất chức gần đây của Bí thư Thượng Hải, Chen Liangyu, một nhà lãnh đạo nổi bật trong nhóm Thượng Hải bị cáo buộc tội tham nhũng, tái khẳng định tính linh hoạt mới trong nền chính trị phe đảng Trung Quốc. Dù chưa có chi tiết rõ ràng về thoả hiệp giữa Hồ và giới lãnh đạo nhóm Thượng Hải song người ta có lý khi cho rằng chiến dịch toàn quốc cổ võ cho việc xuất bản tuyển tập của họ Giang, đựợc tiến hành trước khi ông Chen bị cách chức, và việc bổ nhiệm Han Zheng, một thành viên của nhóm Thượng Hải, làm quyền Bí thư của thành phố này (thay vì đưa một người thuộc phe dân tuý từ nơi khác đến), đều nẳm trong thoả hiệp này.


Giới hạn và viễn tượng tương lai

Mặc dù linh hoạt, hệ thống “lưỡng đảng” trong một đảng của Trung Quốc có nhiều giới hạn đáng kể. Các thành phần và liên minh chính trị trong Đảng Cộng sản Trung Quốc thiếu tính chất trong sáng, và không như những nền chính trị phe đảng tại các nước khác, nền chính trị phe đảng trong Đảng Cộng sản Trung Quốc chưa được xem là chính đáng trong Ðiều lệ Đảng. Chính trị phe phái trong nội bộ đảng của Trung Quốc có thể tạo một hệ thống kiểm soát và cân bằng trong guồng máy chính trị và do đó làm sinh động trở lại sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Tuy nhiên, ĐCSTQ, ít nhất là trong hình thái hiện nay, không chắc có thể tồn tại vĩnh viễn, vì sức mạnh của xã hội thế nào cũng đòi hỏi thêm phương thức tiếp cận và đại diện trong tiến trình chính trị Trung Quốc. Không những vậy, chính những phe nhóm trong Đảng cũng không chắc là không thay đổi. Các vận động chính trị hành lang và các chiến dịch mang hình thái tiêu cực khác, tuy hiện giờ bị cấm đoán, rồi sẽ phát triển trong tương lai, sau khi bắt đầu có sự cạnh tranh chính trị. Gần đây ĐCSTQ đã quyết định là trong cuộc bầu cử đại biểu cho Đại hội Đảng kỳ 17, số ứng cử viên sẽ nhiều hơn 15% con số các chức vụ cần được bầu. Có nghĩa là một số ứng cử viên sẽ không được đắc cử (Shijie Ribao, tập san Thế giới, 13/11.) Những cuộc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương rồi đây cũng sẽ có nhiều cạnh tranh hơn.

Trong cuộc bầu cử đại biểu cho Đại hội Đảng lần thứ 16 năm 2002, hình như phần đông thành viên của liên minh ưu tú đã bầu cho Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo vì cả hai đã chỉ mất đi một số phiếu rất ít. Người ta có thể dự đoán rằng tại cuộc bầu cử Đại hội Đảng lần thứ 17, hai ông này chắc sẽ khó nhận được sự ủng hộ tuyệt đối. Các thành viên của phe ưu tú đã nhận thấy cần phải hạn chế quyền lực của phe dân tuý và các nhà chính trị Trung Quốc cần phải làm quen với “luật chơi mới” của chính trường. Nếu như những giả thuyết trên là đúng thì chúng ta sẽ sớm chứng kiến một giai đoạn phát triển chính trị “lưỡng đảng” và linh hoạt hơn tại Trung Quốc.


Bản tiếng Việt © 2006 talawas



[1]Theo lời của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và những cố vấn của ông, phong trào cải cách chính trị tại Trung Quốc sẽ xảy ra trong bốn lãnh vực: (1) trách nhiệm của viên chức với công chúng và thể chế hoá cơ chế giám sát trong Đảng; (2) bầu cử trực tiếp ở hạ tầng cơ sở (v. d. tại các làng xã nông thôn và quận huyện thành thị); (3) củng cố thể chế pháp trị; và (4) xã hội dân sự và các tổ chức phi chính phủ.
[2]Ru Xin, Lu Xueyi và Li Peilin, Nghiên cứu và dự báo phát triển xã hội, 2005
[3]Ví dụ, Hồ Cẩm Đào là Chủ tịch Hội đồng Quân sự Trung ương trong khi tướng Guo Boxiong, Phó Chủ tịch và là nhân vật cao cấp thứ nhì, lại là bạn thân của Giang Trạch Dân.

Thursday, November 30, 2006

Xuat Cang Dan Chu

Hoa Kỳ đã đưa ra ba nguyên nhân để giải thích cho sự xâm chiếm Iraq: thứ nhất, để tìm và diệt vũ khí hủy diệt hàng loạt [1] (WMD); thứ nhì, để chấm dứt liên hệ và ủng hộ của chính quyền Saddam Hussein với các phần tử khủng bố; và thứ ba, để xây dựng một chế độ dân chủ, tự do tại Trung Đông.

Sau hai năm Hoa Kỳ rốt cuộc phải công nhận là không tìm được WMD. Nếu có nhiều người nghĩ nguyên nhân thứ nhất bắt đầu từ những sai lầm, thiếu sót của tình báo Hoa Kỳ thì cũng không ít người cho nguyên nhân thứ hai là một luận điệu giả dối vì cho đến bây giờ chính quyền Hoa Kỳ vẫn chưa chứng minh được sự liên hệ giữa Saddam Hussein và tập đoàn Osama Bin Laden.

Còn nguyên nhân thứ ba? Hoa Kỳ có xâm chiếm Iraq để “xuất cảng” và áp đặt nền dân chủ của Hoa Kỳ tại Trung Đông hay không? Hoa Kỳ sẽ thành công hay không? Hay đây cũng chỉ là một lý do gượng ép và một hy vọng hão huyền?

Bài viết này sẽ không nhằm trả lời các câu hỏi trên. Nó cũng không có mục tiêu giải thích hoặc biện minh cho chính sách của Hoa Kỳ tại Iraq. Người viết chỉ mong góp một phần suy luận nhỏ cho câu hỏi: “Dân chủ có cần, có thể, hoặc có nên, được xuất cảng hoặc áp đặt hay không?”

Trong khi nhân quyền được chấp nhận như một giá trị toàn cầu, dân chủ thường không được công nhận như là một hình thức chính phủ thích hợp nhất cho mọi người trên thế giới. Dân chủ không phải chỉ có trong lịch sử Tây Âu, nó không xa lạ với châu Á và châu Phi. Tại Ấn Độ, Nhật Bản và các nước tại châu Phi, nền dân chủ đã có qua nhiều thế kỉ. Tuy nhiên, văn hóa, tín ngưỡng cổ truyền, và dân trí không nhiều thì ít đều có ảnh hưởng đến việc thiết lập một nền dân chủ thích hợp cho một quốc gia. Nên chọn nền dân chủ nào? Dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp (dân chủ đại diện), dân chủ tham gia? v.v…

Dù bất cứ hình thức nào, dân chủ có thể được đâm chồi và phát triển mà không nhất thiết cần có sự tác động trực tiếp từ phía ngoài. Nam Hàn tự chuyển từ chế độ độc tài sang dân chủ mà không cần sự thúc đẩy đáng kể nào của ngoại bang (mặc dù có sự hiện diện của lính Hoa Kỳ trên lãnh thổ). Nền dân chủ tại Thái Lan và Indonesia tuy không hoàn hảo nhưng có thể xem là khá vững chãi mà không có sự áp đặt của Hoa Kỳ. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp tuy có hậu thuẫn từ môi trường châu Âu nhưng nhìn chung thì các quốc gia này tự tìm cho mình một chế độ dân chủ. Nam Phi chọn chế độ dân chủ dưới sức ép của cộng đồng thương mãi và chính sách cấm vận của các quốc gia tự do. Ngược lại, tại Trung và Đông Âu, nhờ vào sự không can thiệp của Nga Sô mà nền dân chủ có thể phát sinh và tồn tại.

Thế thì cộng đồng quốc tế có nên áp dụng chính sách “đèn nhà ai nấy sáng”, tránh can thiệp vào nội bộ của các quốc gia độc tài, tránh xung đột, mâu thuẫn chăng?

Trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách “hòa hoãn" để đạt và giữ vững quan hệ bang giao với các nước cộng sản. Thậm chí chính sách này còn được đa số chính trị gia Hoa Kỳ ưa chuộng, xem như là thượng sách. Cổ động mạnh nhất cho chính sách này là Henry Kissinger, một người theo thuyết “thực tiễn”[3] từ thời Nixon. Việc đầu tiên của các “thực tiễn gia” là tách rời chánh sách bảo vệ quyền lợi quốc gia ra khỏi phạm trù đạo lý. Vì vậy, Kissinger đã không ngần ngại phản bội đồng minh Việt Nam sau khi bắt tay được với kẻ thù Trung Quốc. Để bảo đảm cho quyền lợi quốc gia, Hoa Kỳ sẵn sàng gầy dựng và ủng hộ các chính phủ độc tài. Điển hình là Hoa Kỳ đã từng ủng hộ chính quyền của Augusto Pinochet, Omar Khadafi, Ferdinand Marcos. Ngay chính Saddam Hussein cũng do Hoa Kỳ dựng lên.

Chính sách “hòa hoãn” này đã và đang được áp dụng trong suốt hơn 20 năm qua. Triết lý “độc tài cũng được, miễn sao độc tài theo ta và của ta” xem ra khá hữu hiệu. Mọi việc đều được xem là khá êm đẹp, ít nhất là cho đến ngày 11 tháng 9 năm 2001.

Trong số 19 tên khủng bố, 15 tên có quốc tịch A Rập Saudi. Nhiều thành viên Al-Qaeda và chính Osama Bin Laden là người A Rập Saudi. Tuy vậy, giả thuyết cho rằng Hoa Kỳ đã nhắm mắt làm ngơ cho các chế độ độc tài tại A Rập Saudi, Pakistan, Afghanistan, tạo môi trường sinh sản và nuôi dưỡng quân khủng bố vẫn chưa được chấp nhận rộng rãi. Vì vậy, chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ đầy những mâu thuẫn. Tuy tổng thống Bush viện dẫn lý do xây dựng nền dân chủ tại Trung Đông là một mục đích xâm chiếm Iraq, bộ ngoại giao Hoa Kỳ vẫn tránh trừng phạt A Rập Saudi mặc dù đã liệt kê nước này vào danh sách các quốc gia cần quan tâm vì vi phạm tự do tôn giáo. Trong lúc tổng thống Bush tuyên bố: “Xây dựng một Iraq tự do là một cơ hội lịch sử để thay đổi thế giới”[4] thì tờ New York Times xem việc xây dựng một chế độ dân chủ tại Iraq là một “mơ ước trẻ con”. Một thượng nghị sĩ tại Kansas còn nói: “Không thể đặt tự do xuống như trải thảm được”.[5]

Thật ra, Hoa Kỳ không cần phải xuất cảng dân chủ. Hoa Kỳ càng không cần phải áp đặt dân chủ bằng máy bay, xe tăng hay súng đạn. Hoa Kỳ chỉ cần ủng hộ cho tự do và tạo điều kiện cho nền dân chủ được tự phát triển. Nói một cách khác, Hoa Kỳ chỉ cần bảo vệ, giúp đỡ các chiến sĩ tranh đấu cho tự do, nhân quyền trên khắp thế giới để chính những người ấy tự xây dựng cho dân của họ một nền dân chủ thích hợp.

Dân chủ không đồng nghĩa với tự do bầu cử. Thật vậy, bầu cử tự do phải là mục đích cuối cùng thay vì là bước đầu tiên của công cuộc xây dựng một nền dân chủ. Hấp tấp đòi hỏi tự do bầu cử tại các quốc gia quen sống dưới chế độ độc tài chẳng khác gì muốn đặt một cái nóc nặng nề trên một cái sườn nhà lỏng lẻo. Xã hội dân chủ phải được xây dựng bằng cách thay thế sự sợ hãi bằng không khí tự do, nơi mà các quyền tự do căn bản của người dân được bảo vệ. Trong mọi hoàn cảnh, khi con người có được sự lựa chọn, lúc nào họ cũng chọn tự do thay cho chuyên chế, dân chủ thay cho độc tài, pháp trị thay cho pháp quyền.

Trước đe dọa của khủng bố, các quốc gia tự do đều nhận thấy rằng sự khác biệt giữa thế giới tự do và thế giới sợ hãi quan trọng nhiều hơn là sự khác biệt của các chính sách ngoại giao. Vì vậy, mặt trận đối lập giữa tư bản và cộng sản đang được thay thế bằng mặt trận đối lập giữa dân chủ và độc tài. Thay vì trực tiếp áp đặt nền dân chủ, Hoa Kỳ và các chính phủ tự do trên thế giới phải ràng buộc chính sách ngoại giao của quốc gia họ với tiến trình dân chủ của các nước độc tài. Các yếu tố phát triển dân chủ (quyền tự do ngôn luận, báo chí, quyền tự do xuất ngoại, quyền tự do lập hội, v.v…) cần phải được gắn liền với quyền lợi mà các quốc gia độc tài muốn hưởng.

Bài học Helsinki cho thấy rằng khi sự đòi hỏi tôn trọng nhân quyền được hỗ trợ bằng các chính sách hữu hiệu, tự do và hòa bình sẽ được phát triển. Trong trường hợp Helsinki, Sô Viết đã phải lựa chọn một là tôn trọng nhân quyền, hai là mất cơ hội và quyền lợi làm việc với thế giới tự do. Vì vậy, các thỏa thuận tại Helsinki, tuy lúc đầu bị xem là những lời hứa suông, lại trở thành những quyết định tối quan trọng trong cuộc chiến tranh lạnh.[6]

Chính quyền Hoa Kỳ biết rằng họ không thể chờ đợi các chính quyền độc tài tự nguyện từ bỏ quyền lực cai trị. Ngược lại, Hoa Kỳ cũng không thể đợi chờ sự đồng tình của mọi quốc gia trên thế giới. Để chứng minh rằng cuộc chiến Iraq không bắt nguồn từ quyền lợi vị kỷ của quốc gia, Hoa Kỳ cần có một chính sách ủng hộ dân chủ và nhân quyền trước sau như một.

10/30/2005


[1] Weapon of mass destruction

[2] détente

[3] realist

[4] “An historic opportunity to change the world” – Primetime Press Conference, 13 tháng 4. 2004

[5] Natan Sharansky & Ron Dermer: The Case for Democracy – The Power of Freedom to Overcome Tyranny and Terror. Public Affairs, New York, 2004

[6] Ibid

Random Thoughts on Win-Win


Contrary to popular believes, in many negotiations, there need not be winners and losers. All parties can gain. Granted that how much each party can gain from the negotiation depends on how well prepared or how “good” the negotiators are, there should not be a need for the parties to walk away from the deal feeling like losers. Integrative negotiation, also known as cooperative, collaborative, win-win, mutual gains, or problem solving – is a negotiation philosophy that seeks to “expand the pie” to allow for satisfaction from the deals.

The major differences between win-win and win-lose philosophy are based on the immediate substantive outcomes of the negotiation in relation to the long term relationship between the parties. Indeed, while the parties in a win-lose negotiation use all of their tactics to gain the “upper hand”, they completely disregard the possibility of dealing with each other again the in the future (buying a car, price-haggling in an open market, etc.). One would tend to choose a win/lose negotiation strategy if one only wants to get the “best single deal”, completely disregard of the other party’s goals, aspirations and the importance of future relationships.

At the opposite of the win/lose philosophy is the win/win philosophy. As mentioned, a win-win philosophy recognizes that the goals of the parties are not mutually exclusive – i.e. each party wants the best deal possible for themselves. One party’s gain is not necessarily at the other party’s expense. A win-win philosophy and strategy is crucial for negotiations among parties who look to establish a long-term relationship (supply-demand, prime – sub contractors, friends and family, compatriots, etc.)

As we compare the two philosophies, we immediately recognize that a win-win strategy is more difficult and hence takes more “brain cells” to formulate and execute. No doubt that it would take a great deal of flexibility, creativity and teamwork from both sides of the negotiating table to achieve common, collective or compatible goals.

Let’s take it a step further and ask the question of whether the two philosophies are mutual exclusive or can they co-exist in certain conditions. Are there situations that allow both strategies? The answers will have to depend on the conditions of the deals; which in turns dictate the causal relationship of the two parties. My contention is that one can start off with an integrative strategy and later switch to a distributive strategy. A reversal of orders however will not work. The risk of first implementing a distributive strategy – hence, using all available tactics to get the best deals – before the integrative strategy is too high. Not only does this send a mix/confusing signals to the other party, it is one sure way to establish mistrust and destroy the relationship.

The Vietnamese government is now implementing a “glasnost” policy of opening up and trying to solicit help from the Vietnamese American professional community. “Getting to Yes” with the Vietnamese government is still as difficult and tricky as can be. Obstacles and drawbacks from this method of negotiating abound. So what are the obstacles?

The lack or willingness to exchange information:

At the heart of a win-win negotiation is the willingness to share information on the below-the-surface interests and needs. Why one wants something is often more important than what one wants. The Vietnamese government wants to control access to all information flowing out and coming in to the country, but why do they want that? Unless the negotiating party admits to their needs, desires or fears that dictate their positions, the objectives – not matter how clearly defined – are extremely limited. The Vietnamese officials want to control information because they fear the proliferation of democracy and hence weaken their grip on power. However, unless they are willing to get to the core issues, we can not explore alternatives to the solutions.

Cannot separate the people from the problem:

Not less important is the issue of trust among the parties. Unless there is trust, people will continue to be reserved and wary of each other. Their behaviors will be contradictory to what they say. They can agree to a win-win strategy but they will instead implement win-lose tactics. They can use their power to bully the other team, or use psychological warfare or deceptive tactics to get what they way. Obviously, there is a deep mistrust between the Vietnamese-American community and the Vietnamese government. It is fair to say that the Vietnamese-American community “has been burnt” too many times and hence they view the actions from the government as some form of trickeries.

As cliché as it sounds, “trust has to be earn” and can not be demanded. Parties need to architect a plan of action that consists of small, specific and measurable actions that will demonstrate their good wills. More importantly, at the first steps to negotiation, is the need to separate the issues from the people. De-personalization of the problems is a crucial prerequisite to the negotiation success.

Cannot identify and define the Problems without assigning blames:

Parties need to define the problems based on interests and not positions. Opening a negotiation with statement like: “These problems arise because you have done the followings ….” is a bad start. There should not be an assignment of blame in our goals. The problems will need to be recognized as mutual and without “ownerships”. To “own the problem” is to be responsible and possibly be the cause of the problem.

The parties will need to explore the solutions of the problems together. They should not get stuck with the obvious solutions. Instead they need to brainstorm and be creative in finding all solutions without being judgmental. Once the list of possible solution is exhaustive, they can review and choose the most appropriate solution to implement. There is a need to invent options for mutual gains.

Cannot define objective criteria:

Parties need to define ways to rank and weigh each option. Without clearly defined objectives, parties can not be clear on what options to take. Be alert to the intangibles options; invent ways to logroll solutions and expectations, risk and time preferences.

Our struggle for a democratic and prosperous Vietnam is long and arduous and a Win-Win negotiation strategy is but an enabler, a precatory method to engage. We should not be dilatory to engage in further exploring such strategy and tactics; however, neither should we be the “pollyannas” about the willingness and the motives of the other side. Hence, we need to recognize a Win-Win strategy for what it is and what it is not. Specifically, it is merely a tool and not a panacea to all problems.